Cúng vía thần tài là một trong những nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc của người Việt Nam. Vào ngày mùng 10 tháng giêng âm lịch, người dân sẽ nô nức đi mua vàng để xin vía, xin lộc làm ăn. Bên cạnh đó, cúng Thần Tài cũng là một hoạt động tâm linh giúp cầu mong sự thịnh vượng và tài lộc được dồi dào hơn. Cùng theo dõi ngay bài viết tổng hợp các thông tin về cúng vía Thần Tài nhé.
Đôi nét về ngày vía Thần Tài
Ngày vía Thần Tài, thường rơi vào ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch, là một trong những ngày lễ truyền thống quan trọng trong văn hóa dân gian Việt Nam. Ngày này thường được coi là dịp để người dân thể hiện lòng biết ơn và cầu may mắn về đường tài lộc, buôn bán trong năm mới. Thần Tài trong tín ngưỡng dân gian thường được xem là vị thần đại diện của tài lộc, giàu có, và may mắn. Trong ngày này, nhiều gia đình tổ chức các nghi lễ cúng vía, cầu khấn Thần Tài để mong đón những điều may mắn, tài lộc phú quý cho năm mới.
Các hoạt động truyền thống trong ngày vía Thần Tài bao gồm việc làm lễ cúng vía, đốt nhang, đặt bàn thờ, và mua vàng với mục đích xin tài lộc, tiền bạc luôn được dồi dào trong năm mới. Đối với những người theo kinh doanh, việc thờ cúng và thắp hương thần tài là nghi lễ không thể thiếu, giúp thu hút nhiều lộc làm ăn và thuận lợi trong sự nghiệp buôn bán.
Mâm cúng vía Thần Tài đầy đủ cần chuẩn bị những gì?
Đối với những người chuyên kinh doanh làm ăn, ngoài việc mua vàng xin vía thần tài đầu năm, người buôn bán cần phải chuẩn bị mâm lễ cúng dâng lên vị thần cai quản tài lộc. Mâm lễ có thể được chuẩn bị tùy theo điều kiện của gia chủ, không cần phải quá cầu kỳ, chỉ cần có đủ các vật phẩm sau:
- Bộ tam sên gồm có 3 món: thịt lợn luộc (300gr), 3 quả trứng vịt luộc và 3 con tôm hoặc cua luộc đều được.
- Mâm ngũ quả: các loại trái cây có thể được sử dụng tùy theo sự lựa chọn của gia chủ, gợi ý tiêu biểu nhất như là chuối, táo, thanh long, dưa hấu, cam, xoài,…
- Bình hoa tươi: các loại hoa thông dụng được chọn lựa nhiều nhất được kể đến như hoa cúc, hoa ly, hoa huệ, hoa cát tường, hoa hồng,… Các bạn không nên chọn mua hoa giả khi chưng bày ban thờ cúng thần tài.
- Bộ giấy tiền vàng mã, quần áo thần linh
- Thuốc lá
- 3 hũ gạo, muối, nước sạch, đặt ngay ngắn ở giữa hai bức tượng thần tài và thổ địa. Muối gạo nước đều là những vật phẩm tượng trưng cho cuộc sống đủ đầy, no ấm và dồi dào sung túc.
- Cốc đèn cầy/ cây nến
- Rượu trắng/ lon bia/ nước ngọt
Ngoài những vật phẩm phổ biến trong mâm lễ cúng thần tài được kể trên, các bạn có thể bổ sung thêm cá lóc nướng, giò chả, xôi chè, bánh ngọt,… Tùy theo điều kiện về kinh tế cũng như thời gian mà gia chủ có thể chọn lựa vật phẩm bày lễ sao cho phù hợp. Bày mâm lễ cúng thần tài không cần quá phô trương, chỉ cần gia chủ nhất tâm hành lễ là đủ.
Cần lưu ý gì cúng vía Thần Tài?
Cần lưu ý điều gì khi làm mâm cúng vía thần tài? Trong ngày vía thần tài mùng 10 tháng giêng hàng năm, các hộ kinh doanh, buôn bán thường sẽ chuẩn bị mâm lễ cúng cẩn thận và đầy thành kính, cầu mong một năm bội thu, mua may bán đắt. Vậy khi đặt mâm lễ cúng thần tài, các gia chủ nên lưu ý điều gì?
- Bàn thờ thần tài nên đặt dưới đất, ở khu vực sạch sẽ, thoáng mát và trang nghiêm, hướng về phía cửa ra vào của cửa hàng/ văn phòng/ gian phòng kinh doanh. Đặc biệt cũng cần lưu ý đặt ở vị trí tránh lối đi lại nhiều để hạn chế sự ồn ào, mất thanh tịnh khi thờ cúng. Các gia chủ khi đặt ban thờ thần tài cũng cần chọn hướng hợp với mình để giúp thu hút nhiều tài lộc và may mắn hơn.
- Trước khi dâng mâm lễ cúng thần tài, gia chủ cần lau dọn sạch sẽ khu vực ban thờ, thay nước sạch và hoa tươi để tăng thêm không khí trang nghiêm cho nơi thờ cúng.
- Khi đặt bao thuốc lá cúng thần tài, gia chủ hãy để hở bao thuốc và đặt chìa hai điếu thuốc ra phía ngoài để các Ngài dễ hưởng lộc.